This Content Is Only For Subscribers
Thơ ca mà không có vần, không có nhịp điệu thì sẽ không còn được coi là thơ ca nữa. Ngoài yếu tố vần và nhịp điệu, câu từ trong thơ ca phải dễ nghe, dễ hiểu và có khả năng cuốn hút người đọc, người nghe. Theo năm tháng, người xưa đã đúc rút kinh nghiệm của những nhà thơ đi trước để hình thành nên Nghệ thuật dùng từ trong Tiếng Việt, chủ yếu tập trung vào: cách diễn tả, cách nói và cách sắp đặt từ ngữ trong câu (ngữ pháp).
Diễn tả
Sau đây là một số cách để gọi tên, mô tả, diễn tả hình ảnh, đặc điểm, tính chất của một vật hoặc đối tượng nào đó.
So sánh
So sánh là cách mô tả một vật nào đó bằng cách mượn hình ảnh, đặc điểm, tính chất của một vật khác có giá trị tương đương. Có hai cách so sánh là so sánh trực tiếp (dùng từ như) và so sánh ngầm (không dùng từ như).
Ví dụ về so sánh trực tiếp
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Trong đó, “Công cha” được so sánh với “núi Thái Sơn”, “nghĩa mẹ” được so sánh với “nước trong nguồn”.
Ví dụ về cách so sánh ngầm
- Biển khổ mênh mông.
- Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm (Thành Ngữ)
Biển khổ mênh mông có nghĩa là cái khổ của con người mênh mông (nhiều, rộng lớn) như biển. Thành ngữ “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” để chỉ người bên ngoài nói lời thiện lành nhưng trong lòng có đầy ác ý.
Hoán dụ
Hoán dụ là cách lấy một bộ phận để chỉ cái toàn thể hoặc lấy cái toàn thể để chỉ một bộ phận. Ví dụ:
Áo nâu liền với áo xanh,
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên.
(Tố Hữu)
Tác giả Tố Hữu đã dùng từ “Áo nâu” để ám chỉ người nông dân và “áo xanh” để ám chỉ người công nhân. Tương tự như vậy, từ “Nông thôn” để chỉ người dân ở nông thôn và từ “thị thành” để chỉ người ở thành thị.
Hội cảnh
Hội cảnh là sử dụng các từ không có liên hệ gì với nhau để ghép lại, sắp đạt thành một cảnh. Ví dụ:
- Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung. (Kiều)
- Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh. (Kiều)
“Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung” là cách mà Nguyễn Du tả cảnh về đêm: khi ấy hình dáng ngọn núi xa xa và mặt trăng trông rất gần với nhau. Còn câu “Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh” là để tả cảnh người phụ nữ khóc một mình suốt đêm.
Dụng điển
Dụng điển là cách mượn điển cố, điển tích hoặc truyền thuyết đã ăn sâu vào tâm trí người đọc để diễn tả một vật hoặc đối tượng nào đó. Ví dụ:
Năm qua thắng lợi vẻ vang.
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do.
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào.
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.
(Hồ Chí Minh – Xuân 1969)
Đồng bào có nghĩa là “cùng một bọc” hay là “cùng một bào thai” và chỉ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ. Từ này xuất phát từ truyền thuyết về nguồn gốc của Người Việt – Lạc Long Quân và Âu Cơ – theo đó, mẹ âu cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm con rồi chia nhau nên rừng và xuống biển.
Cách nói
Cách nói là cách thêm mắm dặm muối vào một sự vật, hiện tượng nào đó để đạt được một hiệu ứng tâm lý nào đó. Có bốn cách nói được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật là: nói quá, nói giảm nói tránh, nói bóng gió và nói ngược.
Nói quá
Nói quá là cách nói quá hẳn sự thực để tôn cái ý mà tác giả định nói. Ví dụ:
Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng.
Ngày tháng mười chưa cười đã tối.
(Tục ngữ)
Câu tục ngữ này đang cố nhấn mạnh thời gian ban đêm vào tháng năm rất ngắn và thời gian ban đêm vào tháng mười rất dài.
Nói giảm
Nói giảm là cách biểu đạt một cách nhẹ nhàng, tế nhị, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ hay nặng nề, đồng thời tránh sự thô tục và thiếu lịch sự. Ví dụ:
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!
(Bác ơi! – Tố Hữu)
Từ “đi” trong đoạn thơ trên của Tố Hữu là một cách nói giảm nói tránh việc Bác Hồ qua đời để tránh người đọc có cảm giác thô tục, nặng nề và đau buồn.
Nói bóng
Nói bóng là cách dùng một vật hoặc một việc gì đó không có thật để thể hiện một cái ý của mình. Ví dụ:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim..
(Từ ấy – Tố Hữu)
Trong bài thơ này, tác giả Tố Hữu đã sử dụng mệnh đề “trong tôi bừng nắng hạ” để miêu tả, ám chỉ sự “giác ngộ” của tác giả với cách mạng.
Nói ngược
Nói ngược là một thủ thuật mạnh mẽ để gây cười hoặc khiến khán giả phải bất ngờ, suy ngẫm sâu cay về một vấn đề nào đó. Ví dụ:
Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,
Con gà, be rượu nuốt người lao đao.
Lươn nằm cho trúm bò vào,
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn, cỏ lác rình mò bắt trâu.
Gà con đuổi bắt diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.
(Vè nói ngược – bao giờ cho đến tháng ba)
Đàn ông nông cạn giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.
(Tục ngữ)
Ở bài vè nói ngược, chúng ta có thể nhận ra ngay bài thơ này được viết theo lối nói ngược và ngay lập tức khiến người đọc cảm thấy thích thú. Nhưng ở trong câu tục ngữ “Đàn ông nông cạn giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”; chúng ta có thể dễ dàng nhận ra giếng khơi thì không nông còn cái cơi đựng trầu thì sâu cái nỗi gì? Rõ ràng tác giả đang diễn đạt ý ngược lại một cách tế nhị và chỉ người tinh tế, sâu sắc mới hiểu được.
Ngữ pháp
Kỹ thuật sử dụng ngữ pháp chủ yếu để làm cho câu văn mượt mà, trôi chảy, có vần có điệu.
Hợp loại
Hợp loại là cách dùng những từ liên quan mật thiết hoặc gần gũi với nhau để giúp câu văn trở nên mượt mà. Ví dụ:
Cõi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
(Nguyễn Du -Truyện Kiều)
Khi đã dùng từ “cõi xuân” thì nên dùng những từ liên quan đến mùa xuân như cây cối, hoa đào, mưa xuân, tết…. cho gần gũi; trong trường hợp này, tác giả đã dùng từ “cây”. Và khi đã dùng từ cây, thì nên dùng những từ như hoa, lá, cành…; và trong trường hợp này, tác giả đã dùng từ “cành”.
Đảo Ngữ
Đảo ngữ là cách đảo vị trí các loại từ trong một mệnh đề với nhau. Ví dụ:
Trong xanh ánh mắt
Trong vắt nhãn lồng
Chim ăn nhãn ngọt
Bồi hồi nhớ ông!
(Hương Nhãn – Trần kim Dũng)
Trong đoạn thơ trên: vị trí hai từ “trong xanh” và “ánh mắt” đã bị đảo cho nhau (Ánh mắt trong xanh), tương tự, vị trí hai từ “trong vắt” và “nhãn lồng” đã bị đảo cho nhau (Nhãn lồng trong vắt).
Điệp ngữ
Điệp ngữ là cách nói đi nói lại một hoặc nhiều từ để làm nổi bật từ đó trong tác phẩm. Ví dụ:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa.
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
(Truyện kiều – Nguyễn Du)
Trong tám câu thơ trên, từ “buồn trông” liên tục được sử dụng để thiết lập một cảnh buồn trong tâm trí người đọc.