Ngoài những tiếng dùng để nói và viết cho đúng văn phạm, người ta còn dùng những tiếng bóng bẩy để làm cho tiếng nói và câu văn được thêm vẻ hoa mỹ. Cách dùng những tiếng bóng bảy ấy gọi là mỹ từ pháp.
Trong văn chương Việt Nam có nhiều cách đặt tiếng và đặt câu văn thuộc về mỹ từ pháp, nhưng xưa nay người ta chỉ dùng quen mà thôi, chứ không phân biệt ra từng loại. Vậy nay theo phương pháp mới mà định rõ từng cách để học cho dễ.
1. Dụng điển
Cách dụng điển là cách mượn điển tích của một người hay một việc đã có từ xưa, đem vào làm câu văn để người ta nghĩ đến người nào hay việc gì mà không nói rõ ra:
- Một giấc Nam Kha.
- Thỏ lặn ác tà.
- Trướng huỳnh hắt hiu.
- Bát cơm Xiếu mẫu.
- Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều.
Một giấc Nam Kha là lấy điển một người xưa nằm ngủ mê, làm quan ở quận Nam Kha, phú quí trong mấy mươi năm; đến khi thức dậy, thấy mình là một người hàn sĩ nằm ở quán khách. Người ta dùng điển ấy để nói sự mộng ảo ở đời. Thỏ lặn ác tà là lấy điển ngọc thỏ và kim ô. Đời xưa cho là trong mặt trăng có con thỏ bằng ngọc và ở trong mặt trời có con ác, con quạ, bằng vàng. Người ta dùng điển ấy để nói mặt trăng và mặt trời và dùng rộng ra để nói ngày và đêm. Trướng huỳnh hắt hiu là lấy điển người Trác Dẫn đời xưa, nhà nghèo, không có đèn, phải dùng đom đóm thả vào màn mà học. Người ta dùng điển ấy để nói cái buồng học. Bát cơm Xiếu mẫu là lấy điển một bà thợ giặt ở đời nhà Hán cho Hàn Tín lúc hàn vi một bát cơm, sau Hàn Tín báo đáp lại hàng nghìn vàng. Người ta dùng điển ấy để nói lòng biết ơn. Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều là lấy điển ở câu thơ của Đỗ Mục Chí nói: Gia Cát Lượng đặt chuyện ra rằng Tào Tháo làm cái đền Đồng Tước để bắt hai người con gái đẹp họ Kiều ở đất Đông Ngô đem về ở đấy, để khí Chu Du. Người ta dùng điển ấy để nói một nhà có hai người con gái đẹp.
2. Tỉ lệ
Cách tỉ lệ là cách đem người hay vật có một cái đặc tính mà ví với người hay vật khác để làm cho rõ cái ý nói trong câu văn:
- Trong như tiếng hạc bay qua. (Kiều)
- Con không cha như nhà không nóc. (Tục ngữ)
- Buồng văn hơi giá như đồng. (Kiều)
3. Ám tỉ
Cách ám tỉ là cách tỉ lệ ngầm, dùng nghĩa bóng của một hay mấy tiếng mà thay cho một hay mấy tiếng khác;
- Bể khổ mông mênh.
- Miệng Phật tâm xà.
- Rừng nho bể thánh.
- Nhị hoa chưa mỉm miệng cười. (Cung Oán)
- Máy huyền vi mở đóng khôn lường. (Cung Oán).
Bể khổ mông mênh là nói cái khổ ở đời mông mênh như bể. Miệng Phật tâm xà là nói miệng nói những điều từ ái như Phật, mà bụng nghĩ làm những điều độc ác như con rắn. Rừng nho bể thánh là nói sách vở của Nho giáo như rừng rậm và đạo lý của thánh hiền rộng như bể. Nhị hoa chưa mỉm miệng cười là ví người con gái lớn lên như cái hoa sắp nở. Máy huyền vi mở đóng khôn lường là ví sự xoay vần của tạo hoá như cái máy mở đóng không sao biết được.
4. Hoán dụ
Cách hoán dụ là cách lấy một phần mà nói cả toàn thể hay lấy cái đựng ở ngoài mà nói cái chứa ở trong, v.v.
- Tay lão luyện.
- Mặt tài tình.
- Một nhà sum họp.
- Lũ đầu đen nheo nhóc áo cơm. (Thơ)
Tay lão luyện là lấy tiếng tay mà nói người sành sỏi lịch duyệt. Mặt tài tình là lấy tiếng mặt mà nói người có tài, có tình. Một nhà sum họp là lấy tiếng nhà mà nói những người ở với nhau như: cha mẹ, vợ chồng, anh em sum họp vui vẻ. Lũ đầu đen nheo nhóc áo cơm là lấy tiếng đầu đen mà nói người dân khổ sở về áo cơm.
5. Tá âm
Cách tá âm là cách mượn tiếng đồng âm mà khác nghĩa, để làm cho câu văn có màu, hoặc đối nhau cho cân:
- Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
- Gọi nhà mỏi miệng cái gia gia. (Thơ)
- Xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc. (Thơ)
- Phận sao phận bạc như vôi. (Kiều)
Con quốc quốc và cái gia gia là hai con chim do tiếng kêu mà thành tên. Người ta mượn hai tên ấy nói tiếng quốc là nước và gia là nhà. Vàng là sắc củ nghệ, nhân đó mà thành tên một loài kim quí có sắc vàng, thường dùng để nói nghĩa bóng là bền vững không biến đổi. Bạc là sắc trắng, có khi người ta mượn tiếng bạc ấy mà nói thay tiếng bạc là mỏng. Gan vàng mà mệnh bạc là một cách tá âm, nghĩa là nói: lòng bền vững và số mệnh mỏng mảnh. Phận sao phận bạc như vôi là nói cái phận mỏng mảnh, nhưng vì có tiếng bạc là trắng, cho nên người ta lại dùng tiếng vôi là một chất trắng để làm cho mạnh thêm cái nghĩa tiếng bạc.
6. Hợp loại
Cách hợp loại là cách dùng những tiếng riêng của từng loại để làm cho lời văn được sát hợp, không ngang, không trái:
- Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
- Nước còn cau mặt với tang thương. (Thơ).
- Cõi xuân tuổi hạc càng cao,
- Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành. (Kiều).
Người ta thường nói: gan đá và mặt nước. Vậy nên khi đã dùng tiếng gan đá, thì phải dùng tiếng trơ, và đã dùng tiếng mặt nước, thì phải dùng tiếng cau cho cùng hợp một loại. Đã dùng tiếng cỗi xuân, thì phải dùng tiếng cây và tiếng cành cho cùng một loại.
7. Hội ý
Cách hội ý là cách dùng những tiếng chỉ những vật không có liên lạc gì với nhau, nhưng lấy ý mà hiểu, cho là sự có thực:
- Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung. (Kiều)
- Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh. (Kiều)
Sự ở chung với non xa và trăng gần là một sự tưởng tượng, phải lấy ý mà hiểu, chứ Bể khổ mông mênh là nói cái khổ ở đời mông mênh như bể. Miệng Phật tâm xà là nói miệng nói những điều từ ái như Phật, mà bụng nghĩ làm những điều độc ác như con rắn. Rừng nho bể thánh là nói sách vở của Nho giáo như rừng rậm và đạo lý của thánh hiền rộng như bể. Nhị hoa chưa mỉm miệng cười là ví người con gái lớn lên như cái hoa sắp nở. Máy huyền vi mở đóng khôn lường là ví sự xoay vần của tạo hoá như cái máy mở đóng không sao biết được.
8. Miêu tả
Cách miêu tả là cách mượn vật có hình mà tả cái nghĩa bóng bảy của vật khác:
Làn thu thủy, nét xuân sơn. (Kiều)
Làn thu thủy là mượn cái dáng làn nước trong ở mùa thu mà tả cái thần con mắt; nét xuân sơn là mượn cái màu xanh phơn phớt của cây mùa xuân ở trên núi mà tả cái vẻ thanh tú của đôi lông mày.
9. Ngoa ngữ
Cách ngoa ngữ là cách đem việc tuyệt nhiên không bao giờ có, mà nói để biểu diễn một cách rất mạnh cái ý nói không có, không được:
Bao giờ rau diếp làm đình, Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta. (Ca dao)
Rau diếp là thứ rau dùng để ăn ghém mà gỗ lim là thứ gỗ tốt dùng để làm nhà, làm đình. Nhưng đây lại nói trái đi để tỏ ý không bao giờ được.
10. Thậm xưng
Cách thậm xưng là cách dùng tiếng nói quá hẳn sự thực, để làm cho tôn cái ý người ta định nói về một vật gì:
Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn, Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa. (Cung Oán)
Ý khen cái đẹp đến nỗi cá trông thấy cũng không bơi được nữa, phải lừ đừ lặn xuống đáy sông; chim trông thấy cũng không bay được nữa, phải ngẩn ngơ sa xuống đất.
11. Tiểu đối
Cách tiểu đối là cách đặt tiếng đối nhau trong một câu:
- Tốt danh hơn lành áo.
- Khi rượu sớm, lúc trà trưa. (Kiều)
- Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa. (Kiều)
Tiếng tốt danh đối với tiếng lành áo. Tiếng rượu sớm đối với tiếng trà trưa. Tiếng duyên mới đối với tình xưa.
12. Đảo ngữ
Cách đảo ngữ là cách đặt đảo ngược cái vị trí tiếng đứng dưới lên trên:
Gác mái, ngư ông về viễn phố, Gõ sừng, mục tử lại cô thôn. (Thơ)
Vầng trăng ai sẻ lầm đôi, Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường. (Kiều)
Gác mái, ngư ông… tức là: ngư ông gác mái chèo; gõ sừng, mục tử… tức là: mục tử gõ sừng bò; vầng trăng ai sẻ làm đôi, tức là: ai sẻ vầng trăng làm đôi.
13. Ngụ ngữ
Cách ngụ ngữ là cách dùng một vật hay một việc gì để biểu diễn cái ý khác ngụ ở trong câu nói:
Giương cung rắp bắn phượng hoàng, Chẳng may lại gặp một đàn chim ri. (Ca dao)
Dun đâu lại dám vắt qua mình rồng. (Hoàng Tú)
Hai câu trên ý nói: ra sức muốn làm việc to lớn, nhưng không may lại thành ra chỉ làm được việc nhỏ mọn. Câu dưới ý nói: kẻ hèn hạ sao dám đòi lấy người sang quí.
14. Điệp ngữ
Cách điệp ngữ là cách nói đi nói lại một hay mấy tiếng nhiều lần để làm cho nổi những tiếng ấy ở trong câu văn:
Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? Buồn trông ngọn nước mới sa, Hoa trôi man mác biết là về đâu? Buồn trông nội cỏ dầu dầu, Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Trong tám câu thơ ấy, có bốn tiếng: buồn trông, nói lắp lại, làm cho người ta phải để ý vào cái cảnh buồn.